Đồng chí Nguyễn Thành Lung Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ-Chủ tịch HĐND huyện thăm cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm xã Chính Mỹ
Đầu tháng 10 năm 1948, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng họp ở thôn Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ) đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt “Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Thuỷ Nguyên quật khởi 25/10/1948-25/10/2023, đồng chí Nguyễn Thành Lung Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ-Chủ tịch HĐND huyện, cùng đoàn công tác của Huyện uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, các đồng chí đại diện Đảng uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam xã Chính Mỹ đến thăm cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp Nhà cụ Nguyễn Thị Bầm xã Chính Mỹ.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi nhà gỗ 05 gian của gia đình cụ Nguyễn Thị Bầm, thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ đã trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi, dấu cán bộ cách mạng huyện như vợ chồng bà Lã Thị Huyên - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện...; là địa điểm thường xuyên được cách mạng sử dụng làm địa điểm họp bàn công việc, đặc biệt đây chính là địa điểm diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng bàn về việc Tổng phá tề trừ gian vào các ngày 24, 25/10/1948 và kết quả đã tạo lên truyền thống anh hùng, quật khởi của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân huyện Thủy Nguyên.
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Thủy Nguyên (1930-2013), Lịch sử Đảng bộ xã Chính Mỹ ghi: “Đầu tháng 10 năm 1948, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng họp ở thôn Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ) đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt “Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích”. Mục đích cơ bản là: “Giải tán bộ máy tề trong toàn huyện; đánh nội ứng một số đồn và tước vũ khí của Bảo An để trang bị cho dân quân du kích, bộ đội huyện, phát động chiến tranh du kích...”. Nơi diễn ra hội nghị tại nhà bà Bầm ở Mỹ Cụ. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính các xã.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính, chiến dịch ngày 25 tháng 10 được chuẩn bị khẩn trương. Các đoàn thể bí mật họp để chuẩn bị lực lượng, cờ, vũ khí, thông tin liên lạc... Trưa ngày 25 tháng 10 năm 1948, du kích và thanh niên xã tập trung tại nhà đồng chí Mấu ở Trà Sơn nhận nhiệm vụ. Đúng 18 giờ, ở các xóm, tiếng trống lệnh nổi lên liên tục, tiếng loa phát thanh, tiếng hô khẩu hiệu cùng tiếng trống mõ vang động. Lực lượng du kích bán tập trung của xã kết hợp với du kích các xã bạn bao vây đồn bốt địch ở Trịnh Xá, Núi Đèo, Cầu Giá, Thanh Lãng... kêu gọi binh lính ngụy ra hàng, đồng thời nổi lửa đốt các chợ trong huyện.
Thắng lợi ngày 25 tháng 10 làm cho địch hoang mang lo sợ phải cố thủ trong đồn bốt chờ viện binh. Nhiều binh lính ngụy đã đem vũ khí trở về với kháng chiến. Nhân dân hồ hởi, phấn khởi, lực lượng du kích phát triển.
Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm vốn là nhà tổ của dòng họ. Công trình được dựng từ lâu đời, vào năm Canh Thìn (1880). Đương thời, công trình có bình đồ kiến trúc hình chữ Nhị, bao gồm: 5 gian tiền đường và 3 gian hậu đường; giữa hai tòa là một khoảng sân rộng chừng 2m; phía Đông hậu đường có một bể nước, phía Tây có cây hoa muống rồng. Năm 1960, hậu đường bị hư hỏng nặng nên được dỡ bỏ. Năm 2017, tiền đường được con cháu trong dòng tộc tu sửa lại theo theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy truyền thống.
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được nhiều thờ tự có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: Nhang án, sập thờ gỗ, sập đá, bát hương sành… Hàng năm tại di tích, tổ chức hai dịp lễ giỗ: Ngày 17 tháng Giêng, tổ chức lễ giỗ cụ bà Nguyễn Thị Bầm; Ngày 20 tháng 4, tổ chức lễ giỗ cụ ông Trần Văn Tháo.
Là di tích cách mạng tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp Nhà cụ Nguyễn Thị Bầm đã được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận là di tích lịch sử tại Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 09/10/2019.